Let's On Air 2019's profile

Tín ngưỡng thờ cúng Việt Nam


      Một sĩ phu nổi tiếng trong Phong trào Cần Vương là Trần cao Vân đã lột tả quan niệm của dân ta về Trời, Đất, Người (Thiên – Địa –Nhân) có mối tương quan luôn gắn bó với nhau trong mọi lĩnh vực đời sống qua đoạn thơ sau:
 

"Trời đất sinh ta có ý không?
Chưa sinh trời đất, có Ta trong
Trời, Đất, ta đây đủ hóa công
Trời che đất chở, ta thong thả
Ta thay trời mở đất mênh mông"

      Từ xa xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên, ông trời,... tin tưởng vào các tín ngưỡng, thần linh đã sớm gần gũi với họ. Hơn nữa, Việt Nam lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Hai yếu tố đó làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng.  

 
      Nhắc tới văn hóa Việt Nam ta lại hình dung tới những hình ảnh gia đình cùng nhau đi chùa cầu may, lấy lộc vào đầu năm, Đi dâng hương đền Hùng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ về những người đã có công dựng nước và giữ nước, thờ mẫu, hay hình ảnh hiếu thảo thờ cúng cha mẹ, ông bà tổ tiên có từ ngàn đời nay,... Người Việt từ lâu đã coi việc thờ phụng là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó dường như là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần, tâm linh của người việt.


      Những ngọn lửa về niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp, một mùa màng bội thu hay đơn giản là gia đình ấm no hạnh phúc luôn cháy trong lòng người dân Việt. Những làn khói, làn sương mờ khiến lòng ta cảm thấy được an tịnh, bình tâm, ta gửi gắm vào đó bao ước nguyện tốt đẹp. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.


     Đôi khi nói đến tín ngưỡng thường người ta nghĩ ngay đến tôn giáo, thực ra tôn giáo chỉ là một phần của tín ngưỡng mà thôi, cái chính tạo ra tín ngưỡng đó chính là văn hóa lâu đời, những tập tục, lối sống của ông cha ta, của đất nước chúng ta để lại. Đôi khi nó chỉ đơn giản là thờ cá Ông (cá heo, cá voi trôi dạt vào bờ), nhằm mong muốn có những chuyến ra khơi thuận lợi và luôn được giúp đỡ bởi những điều mà họ tin tưởng, hay là thờ Ông Địa, Thần Tài trong nhà mong muốn nhà luôn sung túc, may mắn. Hay là cầu duyên mong mình gặp được một người hợp với mình. Đấy chính là nét đẹp và đặc trưng của dân tộc. Tuy có nhiều quốc gia cũng có cùng những tập tục như chúng ta, nhưng đều có những nét riêng của nó, không lẫn vào đâu được. 


     Thờ cúng, tâm linh liệu có phải là điều gì đó xấu không?. Không! Chính nó đã giúp chúng ta sống tốt hơn, hướng tới cái thiện, cái tốt, luôn giữ tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Mãi nhớ về cội nguồn, những phong tục tập quán, là cách thể hiện sự biết ơn, hay thậm chí là một cách giáo dục về văn hóa, dùng để ghi nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc cho con cháu muôn ngàn đời sau. Nhưng ta cũng cần phải phân biệt đúng cái nào là văn hóa tâm linh và cái nào là sự mê tín dị đoan, tránh đánh đồng, đi theo những con đường sai lệch ấy để ảnh hưởng tới một nền văn hóa tín ngưỡng mà dân tộc ta đã xây dựng suốt bao nhiêu thế hệ.
.

      Qua những tín ngưỡng ấy ta dần thấy được những vẻ đẹp tiềm tàng ẩn sau những phong tục, tưởng chừng là thứ hiển nhiên như thờ cúng ông bà, ... Nhưng qua đó nó toát lên vẻ đẹp bản sắc dân tộc, một nền văn hóa với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Dù ngày nay xã hội có phát triển tới đâu, có thay đổi nhanh tới nhường nào, thì nó vẫn ở đó với một sứ mệnh lưu truyền một nền văn hóa đặc sắc. Chúng ta những thế hệ trẻ luôn phải nhớ và giữ gìn những văn hóa đó một cách trân trọng nhất đừng để nét đẹp ấy phai nhòa vào những làn khói.




Chủ đề: Văn Hóa việt Nam - Thức Việt
Tên tác phẩm: Văn hóa tín ngưỡng, thờ cúng Việt Nam
Người thực hiện:
Photo: Huỳnh Hữu Lộc
Content: Huỳnh Hữu Lộc
Tín ngưỡng thờ cúng Việt Nam
Published:

Tín ngưỡng thờ cúng Việt Nam

Văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Việt Nam - Văn hóa Việt

Published: